VIDEO HOẠT ĐỘNG

Tư vấn chăm sóc người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại nhà

Kỷ niệm 23 năm ngày thành lập Bệnh viện 199

Phân biệt thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn

Bệnh viện "xanh" giữa lòng Đà Nẵng

Nỗ lực trong công cuộc chống dịch Covid-19 của y bác sỹ bệnh viện 199

Sự gia tăng của các rối loạn giấc ngủ trong dân số

https://www.khoahocphothong.com.vn/vnt_upload/news/12_2022/thumbs/480_Giac_ngu_2.jpg

Người bị rối loạn giấc ngủ, thiếu ngủ sẽ dễ mệt mỏi vào ban ngày, khó tập trung làm việc, học tập.

Than phiền về mất ngủ là một trong các vấn đề thường gặp, đặc biệt là đối với người trung niên, người lớn tuổi. Đây là một vấn đề phức tạp, đa căn nguyên; có thể liên quan cùng lúc đến nhiều vấn đề sức khỏe thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như: thần kinh, tim mạch, hô hấp, tai mũi họng, dinh dưỡng, tâm lý, tâm thần…

Những biểu hiện của rối loạn giấc ngủ

Người bị rối loạn giấc ngủ, thiếu ngủ sẽ dễ mệt mỏi vào ban ngày, khó tập trung làm việc, học tập. Việc buồn ngủ ban ngày, ngủ gật cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu như bệnh nhân đang lái xe hoặc khi đang làm những công việc nguy hiểm: điều khiển máy móc hạng nặng, sửa chữa điện… Bệnh nhân cũng có thể bị đau đầu, chóng mặt kinh niên. Bệnh cũng thường phối hợp với rối loạn lo âu, trầm cảm. Người bệnh có sức khỏe tinh thần suy giảm, trở nên nhạy cảm, dễ cáu gắt, bực bội vô cớ với những người xung quanh…

https://www.khoahocphothong.com.vn/vnt_upload/File/12_2022/TS_BS_Tran_Duc_Si.jpg

TS.BS. Trần Đức Sĩ (Phó Chủ tịch Chi hội Bệnh lý mất ngủ - Trưởng Phòng khám Y học Giấc ngủ - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch).

Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, ngoài các tác động trực tiếp đã biết, các rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là các trường hợp ngưng thở khi ngủ có thể gây sản sinh các hoạt chất gây viêm trong cơ thể. Các tác nhân này làm đẩy nhanh quá trình lão hóa của cơ thể, đặc biệt là ở hệ thần kinh, làm tổn thương mạch máu từ đó làm tăng nặng các bệnh lý tim mạch cũng như tăng nguy cơ biến chứng.

Dù mang lại nhiều hậu quả, thậm chí là nguy cơ đột quỵ, nhưng vấn đề giấc ngủ nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, bệnh đang ngày càng gia tăng về tần suất cũng như có những thay đổi về độ tuổi mắc bệnh.

Tuổi tác và những nguy cơ rối loạn giấc ngủ

Người lớn tuổi thường có thời gian ngủ sinh lý ngắn hơn so với người trẻ. Chuyện người già ngủ ít, thức khuya dậy sớm thường thì không phải là bệnh lý. Tuy nhiên, ngày nay tuổi thọ người Việt ngày càng tăng. Đi kèm với tuổi tác là các vấn đề sức khỏe khác như tăng cân, đau xương khớp, tiểu đêm… sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Thói quen sống thay đổi: nghỉ hưu, ít vận động hơn, thay đổi giờ giấc sinh hoạt… cũng là những yếu tố nguy cơ.

Sự dịch chuyển dân số, trong đó người trẻ rời khỏi địa phương lên các thành phố lớn lập nghiệp để lại cha mẹ già. Nhiều người vì cô đơn, vì lo lắng, vì nhớ con cháu sinh ra mất ngủ. Đặc biệt là những người lớn tuổi bỏ quê lên phố phụ con cái trông cháu thì dù gần người thân nhưng xa lạ với xóm giềng, với không gian, nếp sống đô thị nên càng lạc lõng, thậm chí trầm cảm. Người lớn tuổi cũng khó thích ứng với sự khác biệt về giờ giấc sinh hoạt giữa thành phố và nông thôn, đặc biệt là khung giờ đi ngủ.

https://www.khoahocphothong.com.vn/vnt_upload/File/12_2022/Giac_ngu_1.jpg

Một đêm không ngon giấc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

Người Việt, đặc biệt là phụ nữ, vốn hay lo. Cái lo về kinh tế, công việc chưa dứt thì người già lại thêm cái lo về tuổi tác, bệnh tật nên ngày nay số lượng mất ngủ bệnh lý tăng mạnh. Việc tiếp cận, chia sẻ thông tin về sức khỏe quá dễ dàng trong thời đại mạng xã hội cũng khiến cho các rối loạn lo âu tăng thêm; đặc biệt là khi có quá nhiều thông tin sai lệch được lan truyền.

Độ tuổi trung bình của bệnh nhân mất ngủ cũng ngày càng trẻ dần. Người trung tuổi phải đối diện ngày càng nhiều áp lực, cạnh tranh trong cuộc sống hiện đại. Công nhân làm ca đêm, các nhà quản lý làm việc cho các công ty đa quốc gia phải làm việc theo múi giờ khác biệt lâu dần sẽ bị rối loạn nhịp sinh học.

Kinh tế đi lên dẫn đến có nhiều người thừa cân béo phì hơn. Đây cũng là yếu tố nguy cơ chính của một bệnh lý giấc ngủ quan trọng, chính là chứng ngưng thở khi ngủ. Đã ít được người dân biết đến, chứng ngưng thở khi ngủ cũng thường phối hợp với các căn nguyên mất ngủ khác nên càng dễ bị bỏ sót. Nhưng hơn cả mất ngủ đơn thuần, bệnh lý này mang đến những biến chứng nặng nề về lâu dài cũng như nguy cơ đột tử ban đêm. Đối tượng nguy cơ ngoài người già còn có những người trung niên, những công chức, doanh nhân thành công, có điều kiện kinh tế khá giả.

Ngay cả các thanh thiếu niên cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thiếu ngủ, giấc ngủ có chất lượng kém. Đối với đối tượng người trẻ, ngoài các biến cố tâm lý nghiêm trọng như mâu thuẫn, đổ vỡ hôn nhân của cha mẹ hay mất mát người thân; các yếu tố cá nhân như áp lực học tập, ít vận động thể lực, lạm dụng công nghệ, điện thoại, máy tính... có vai trò quan trọng. Học viên, sinh viên bị rối loạn giấc ngủ sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, chất lượng sống và chất lượng học tập.

Các em nhỏ lứa tuổi mẫu giáo hoặc nhỏ hơn thì chưa có áp lực thành tích học tập nhưng lại có nhu cầu tình cảm cao. Trẻ thích được quan tâm, thích được chú ý cũng như rất quan tâm đến cảm xúc, biểu hiện của những người xung quanh. Trong giai đoạn nhạy cảm này, nếu bị căng thẳng, các bé thường không thể bày tỏ mà chỉ có những biểu hiện bất thường về tâm lý đặc biệt là các bất thường cận giấc ngủ: đái dầm, nghiến răng, mộng du, ác mộng… Các phụ huynh vì bận bịu công việc mưu sinh hoặc chăm lo cho các bé nhỏ hơn có thể chậm phát hiện các bất thường cho đến khi có các rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng.

Nói tóm lại, cuộc sống bộn bề hiện đại gia tăng áp lực tâm lý cho mọi người ở nhiều lứa tuổi. Bên cạnh đó, những trang thiết bị hiện đại, chế độ dinh dưỡng cũng như những thay đổi khác về thói quen sống làm gia tăng tỷ lệ bệnh cũng như những hậu quả của rối loạn giấc ngủ. Đã đến lúc vấn đề sức khỏe này cần nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn, từ phía các nhà lâm sàng lẫn từ phía người dân.

TS.BS. TRẦN ĐỨC SĨ (Phó Chủ tịch Chi hội Bệnh lý mất ngủ - Trưởng Phòng khám Y học Giấc ngủ - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)